Cơ sở tách vỏ hạt điều của chị Hồ Thị Cúc, ở ấp 2, xã Lương Phú (Giồng Trôm) giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động, góp phần cùng địa phương thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.
Tại cơ sở tách vỏ hạt điều của chị Cúc.
Xuất phát từ suy nghĩ làm kinh tế nhằm phát triển đời sống gia đình và tạo việc làm cho bà con trong xã, chị Cúc xây dựng cơ sở làm hạt điều tại căn nhà khoảng 35m2, thuê từ một người quen. Chị Cúc cho biết, trước đây chị từng làm công cho nhiều cơ sở chế biến dừa, hạt điều trong tỉnh, đời sống kinh tế gia đình còn khó khăn. Đến năm 2011, được người quen giới thiệu nhận hạt điều về gia công và đến nay có trên 5 năm gắn bó với nghề. Từ việc làm hạt điều, trung bình mỗi tháng, gia đình chị thu nhập trên 9 triệu đồng, đồng thời góp phần tăng thu nhập cho nhiều gia đình tại Lương Phú.
Hiện, cơ sở của chị Cúc có gần 30 lao động tham gia thường xuyên và trên 20 lao động làm việc thời vụ. Trung bình mỗi lao động tách từ 10-12 ký/ngày (giá mỗi ký 7.000 đồng), thu nhập trên 2,5 triệu đồng/tháng. Từ đó, người lao động có điều kiện cải thiện cuộc sống gia đình, giảm dần tỷ lệ người thất nhiệp tại địa phương. Chị Ngô Hồng Mai, ở ấp 2, xã Lương Phú có hoàn cảnh khó khăn, gia đình không có đất canh tác phải đi làm thuê tại nhiều nơi trong huyện. Từ khi cơ sở hạt điều mở ra, chị Mai có điều kiện làm việc gần nhà, tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại, đảm bảo sức khỏe và hiệu quả công việc. Chị tâm sự, trước đây chỗ làm việc không ổn định, làm theo thời vụ, ai thuê gì làm đó, kinh tế gia đình bấp bênh. Vào làm tại cơ sở hạt điều của chị Cúc là cơ hội để chị Mai vươn lên thoát nghèo. Trung bình mỗi tháng chị Mai có trên 2,5 triệu đồng, kinh tế cải thiện, gia đình dần tích lũy để lo con cái học hành.
Cạnh đó, anh Ngô Hoàng Phúc ngụ cùng ấp 2 cho biết, làm việc tại cơ sở của chị Cúc có thu nhập trung bình mỗi tháng trên 2,5 triệu đồng, nếu chịu đi sớm làm thêm có thể tăng lên gần 3 triệu đồng/tháng. Gia đình anh Phúc chỉ có 2 công đất vườn dừa, mỗi tháng thu về khoảng 300-500 ngàn đồng (tùy giá dừa từng thời điểm khác nhau). Cơ sở hạt điều của chị Cúc đã mang lại cơ hội việc làm cho anh Phúc, chị Mai và nhiều lao động khác tại địa phương và các xã lân cận.
Hiện, cơ sở của chị Cúc liên kết với nhiều mối hàng từ các tỉnh ở vùng Đông Nam Bộ như Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai để cung cấp lượng hạt điều đủ đáp ứng với lượng nhân công dồi dào.
Chị Trương Thị Tuyền Uyên - Phó Chủ tịch xã Lương Phú cho biết, lao động không có việc làm ổn định tại xã Lương Phú chiếm tỷ lệ trên 11%. Cơ sở hạt điều của chị Cúc đưa vào hoạt động góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn. Hướng tới, xã sẽ tạo điều kiện nếu cơ sở của chị Cúc có nhu cầu mở rộng qui mô. Từ đó, cơ sở này sẽ cùng địa phương giảm dần tỷ lệ lao động thất nghiệp góp phần cùng xã đạt tiêu chí 12 và một số tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới.
Từ hiệu quả mà cơ sở hạt điều mang lại, xã đã thành lập hai cơ sở đan giỏ nhựa và kết hạt cườm. Hướng tới, Lương Phú sẽ tiếp tục nhân rộng, để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Nguồn: Báo Đồng Khởi
